Món vịt om sấu khoai sọ nghe qua tưởng chừng như đơn giản. Nhưng nếu chế biến không đúng cách thì không đậm đà và nghe mùi tanh của vịt. Món vịt om sấu khoai sọ có ngon hay không không chỉ phụ thuộc vào tay nghề của đầu bếp. Mà khâu khử mùi và sơ chế các nguyên vật liệu cũng rất quan trọng. Khi sấu vào mùa khoảng tầm tháng 6 đến tháng 9. Tầm này mà ăn vịt om sấu là đúng thời điểm luôn. Tuy nhiên bạn cũng có thể bả quản sấu ở ngăn dông của tủ lạnh để khi nào thèm là triển ngay thôi. Hôm nay chúng tôi sẽ cùng bạn nấu vịt om sấu khoai sọ một cách chuẩn vị miền bắc. Cùng bắt tay vào bếp để thực hiện món vịt om sấu cho cả nhà thôi nào.
Cách nấu vịt om sấu khoai sọ
Sấu khiến món ăn có vị chua thanh mát, làm dậy lên sự hòa quyện tuyệt vời của các nguyên liệu chế biến cùng. Món vịt om sấu khoai sọ là sự lựa chọn tuyệt vời cho bữa ăn gia đình hoặc những buổi tiệc quan trọng. Hương vị chua thanh của sấu, vị thơm bùi của khoai sọ, thịt vịt dai ngọt tự nhiên cùng vị thơm dịu của các loại rau gia vị sẽ khiến bạn không thể cưỡng lại được.
Chuẩn bị nguyên liệu
Để có món vịt om sấu khoai sọ ngon và chuẩn hương vị miền Bắc thì không thể thiếu sấu. Đây là loại quả đặc trưng của nguời miền bắc. Cách chọn lựa nguyên liệu sao cho tươi ngon và đầy đủ gia vị sẽ quyết định món vịt om sấu khoai môn của bạn có ngon hay không. Các bạn mua nguyên liệu như sau cho món vịt om sấu thơm ngon lạ miệng nhé:
- 800gr thịt vịt
- 500gr khoai sọ loại củ nhỏ
- 5 quả sấu tươi
- 5 củ hành khô
- 5 cây sả
- Rau ngổ, ngò gai
- Gia vị: nước mắm, muối, bột nêm, tiêu, gừng, tỏi, ớt
Cách chế biến
Bước 1: khử mùi hôi của vịt
Sơ chế vịt là khâu trọng nhất trong quá trình chế biến món ăn. Khi mua vịt sống, bạn có thể nhờ người bán sơ chế giúp rồi về nhà rửa sạch lại. Hoặc nếu tự sơ chế tại nhà, bạn cần lưu ý nhúng thịt vào nước sôi để làm sạch lông. Ở các lỗ chân lông sẽ chảy ra chất lỏng màu đen, cần nặn hết ra và rửa sạch vì đây là “thủ phạm” gây ra mùi hôi tanh của thịt vịt. Ngoài ra, bạn cũng phải nhớ cắt bỏ phần đầu vịt và phao câu vì hai bộ phận này bám rất nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng. Nếu không sơ chế kỹ thì mùi hôi vẫn sẽ bị sót lại. Sau khi loại bỏ phần lông và sơ chế bước đầu, có 2 cách để bạn khử hoàn toàn mùi hôi của thịt vịt.
- Cách 1: Ngâm thịt vịt trong dung dịch rượu trắng hoặc rượu pha với gừng giã nhỏ trong 60 phút. Sau đó đem xả lại với nước sạch.
- Cách 2: Dùng muốt hạt chà xát bề mặt, bóp cho thịt vịt sạch hết cặn bẩn. Rồi đem xả qua nước lạnh. Tiếp tục lấy nửa quả chanh chà xát một lần nữa rồi rửa sạch sẽ mất mùi tanh của vịt. Sau khi đã sơ chế kỹ càng, chặt thịt vịt thành từng miếng vừa ăn, kích cỡ bằng bao diêm. Không chặt quá to ăn sẽ cảm giác không ngon và không thấm gia vị.
Bước 2: Sơ chế nguyên phụ liệu trước khi nấu
- Sấu cạo vỏ, rửa sạch, khía hình chữ thập để sấu nhanh chín mềm.
- Cách sơ chế khoai sọ sạch nhớt và không ngứa tay: Cho khoai sọ vào nước rửa sạch, luộc qua nước sôi trong 5 phút rồi xả lại trong nước lạnh, khoai sẽ dễ bóc hơn và không bị ngứa tay khi bóc. Sau khi bóc vỏ, cắt khoai sọ làm đôi hoặc 4 phần tùy kích cỡ, tiếp tục ngâm với nước muối loãng trong 20 phút để khoai sạch nhớt.
- Hành khô, tỏi và gừng làm sạch, bóc vỏ, thái nhuyễn. Sả rửa sạch, chọn phần non, đập dập rồi thái lát mỏng.
Bước 3: Ướp thịt vịt cho thấm gia vị
Cho thịt vịt vào nồi. Ướp thịt vịt với 2 muỗng hành khô, tỏi đã băm nhuyễn, 1 muỗng sả, 1 muỗng gừng, 1 muỗng muối, 1 muỗng bột nêm, ½ muỗng hạt tiêu, ½ muỗng bột ngọt, 1 muỗng nước mắm. Bóp trộn đều và để thịt ngấm gia vị trong 20 phút. Khâu này rất quan trọng. Vừa giúp khử mùi tanh của vịt vừa làm cho miếng thịt thấm gia vị , đậm đà. Lúc ăn sẽ ngon hơn là không ướp mà nấu liền.
Bước 4: Nấu vịt om sấu
- Bắc nồi lớn lên bếp, cho hành, tỏi, sả băm nhuyễn vào nồi phi thơm lên, đổ thịt vịt đã ướp vào và đảo đều. Xào đến khi thấy thịt có mùi thơm và săn lại.
- Khi thịt đã săn lại, tiếp tục cho sấu vào và đổ nước ngập thịt. Đun lửa lớn cho nồi sôi lên, sau đó vặn lửa nhỏ và om từ từ để vịt chín mềm. Có thể thay thế nước lạnh bằng nước dừa tươi hay nước xương hầm để món ăn thêm hấp dẫn.
- Lúc bắt đầu om, mở nắp trong 10 phút đầu để bay hết mùi nồng của thịt vịt, sau đó đậy nắp và tiếp tục đun lửa nhỏ. Khi thịt vịt bắt đầu mềm, cho khoai sọ vào nấu cùng. Khoai sọ chín nhanh nên chỉ cần om tiếp trong khoảng 15 – 20 phút. Trong quá trình nấu nên thường xuyên vớt bọt và váng mỡ để nước thịt được trong hơn.
- Kiểm tra khoai chín bằng cách xiên đầu đũa vào miếng khoai, nếu thấy khoai bở ra dễ dàng thì tức là món ăn đã chín. Lúc này sấu cũng đã mềm, tùy theo khẩu vị mà dầm lượng sấu thích hợp. Có thể cho ít đường để cân bằng độ chua và mặn. Đảo đều đến khi món ăn dậy mùi thơm thì tắt bếp.
Bước 5: Thưởng thức món ăn
Đổ vịt om sấu và khoai sọ ra bát. Trang trí thêm rau ngổ, ngò gai, hành lá thái nhuyễn để món ăn thêm bắt mắt và hấp dẫn. Tuy đã khử mùi tanh nhưng bạn nên ăn lúc vịt còn nóng sẽ ngon hơn. Vì lúc nguội có thể sẽ còn mùi vịt khó ăn.
Yêu cầu thành phẩm món ăn
Món vịt om sấu khoai sọ đạt chuẩn là khi thịt vịt chín tới và hơi mềm, thấm gia vị và không bị dai. Nước dùng có vị ngọt tự nhiên của thịt vịt và vị chua nhẹ thanh mát của sấu tươi. Khoai sọ chín mềm nhưng không bị nát, có vị thơm bùi. Vịt om sấu khoai sọ ăn ngon nhất khi dùng kèm với bún hoặc cơm. Nếu ăn với bún thì nên ăn cùng rau sống còn ăn với cơm nóng thì nên có thêm đĩa dưa muối, rau muống luộc, rau nhút.
Một số lưu ý
Cách chọn vịt
Khi chọn vịt nên chọn những con trưởng thành, còn sống, ức đầy, da bụng dày, vừa tầm, nặng, chắc thịt và đã mọc đủ lông. Thịt vịt trưởng thành có vị ngọt tự nhiên và độ dai lý tưởng nhất. Không chọn những con quá béo vì khi om, mỡ vịt chảy ra khiến món ăn trở nên ngấy hơn. Nên chọn loại vịt cỏ thả tự nhiên thịt vịt sẽ thơm và mềm.
Cách chọn khoai sọ
Khoai sọ nên chọn những củ có kích thước nhỏ, dáng tròn cỡ quả trứng gà. Ưu tiên chọn khoai sọ chùm. Không mua những củ quá to và những loại khoai sọ một cây một củ. Vỏ ngoài sần sùi nhưng phải lành lặn và không có vết thâm đen. Nếu khoai sọ mới, bạn nên chọn các củ cái vì củ khoai sọ cái mới thường chắc củ, ăn bở, ngọt, ngon hơn củ con.
Cách chọn sấu tươi ngon
Khi mua sấu chỉ chọn những trái sấu tươi xanh, lớp vỏ hơi sần và cùi dày. Đây là quả sấu ngon và có nhiều thịt chua. Mùa sấu chỉ kéo dài từ tháng 6 – 9 hàng năm. Bạn nên mua sẵn một lượng sấu tươi nhất định, cạo vỏ (không gọt), ngâm nước, rửa sạch, để ráo nước và bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh để dùng lâu dài. Bảo quản sấu theo từng túi nhỏ.
Với cách làm vịt om sấu khoai sọ chua thanh, mát thơm. Bữa cơm của gia đình bạn sẽ có thêm một món ngon mỗi ngày đậm đà và ngon miệng. Cảm giác cắn miếng thịt vịt nóng hổi, thơm phức. Kết hợp cùng sấu chua nhẹ và khoai sọ bùi bùi, béo béo. Quả là kích thích vị giác vô cùng. Cách làm vịt om sấu khoai sọ không quá phức tạp. Chỉ cần chú trọng khâu sơ chế cẩn thận và tỉ mỉ là bạn có thể hoàn thành một món ăn ngon miệng. Vịt om sấu là món ngon không thể bỏ qua. Bởi hương vị đậm đà, ngon ngọt của thịt vịt hòa quyện cùng nước om chua thanh, mát dịu.
Nguồn: disneycooking.com